Anna (Lea Massari) mất tích khi cùng chồng sắp cưới và bạn thân du lịch ở một hòn đảo và biến khỏi mạch phim "L’Avventura" (1960).
L’Avventura của đạo diễn Michelangelo Antonioni được chọn trình chiếu tại Cannes Classics 2020, sự kiện thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes nhằm tôn vinh những tác phẩm kinh điển. Khi công chiếu ở Cannes 60 năm trước, L’Avventura vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của khán giả nhưng lại được một số đạo diễn và nhà phê bình yêu thích. Bộ phim được trao giải Ban giám khảo. Tác phẩm của đạo diễn Antonioni được ghi nhận về cách kể chuyện với ngôn ngữ điện ảnh và kỹ thuật quay mới lạ, có sức ảnh hưởng lên các đạo diễn thế hệ sau.
L’Avventura xoay quanh một nhóm bạn du lịch trên thuyền tới một hòn đảo ở miền Nam Italy. Không lâu sau, Anna (Lea Massari) mất tích mà không rõ nguyên do. Những người còn lại tìm kiếm trên hòn đảo nhưng không có kết quả. Đột nhiên, hôn phu của Anna - Sandro (Gabriele Ferzetti) - nảy sinh tình cảm với bạn thân của cô, Claudia (Monica Vitti). Lúc đầu Claudi phản đối Sandro vì không muốn phản bội bạn mình nhưng sau đó đáp lại tình cảm của anh. Sau một thời gian tìm kiếm qua các thị trấn và ngôi làng nhỏ, cuối cùng hai người họ ngừng nhắc đến Anna. Việc tìm kiếm bị lãng quên.
Đạo diễn Olivier Assayas bình luận sự biến mất của Anna trở thành ẩn dụ cho sự biến mất của cách kể chuyện thông thường trên phim. Bộ phim lật ngược kỳ vọng của khán giả khi loại bỏ nhân vật nữ này, dù cô xuất hiện ngay từ đầu và được cho là nhân vật chính. Piers Handler - chủ tịch Liên hoan phim Toronto - nhận xét chi tiết này gây bất ngờ giống như khi nhân vật Marion Crane của Janet Leigh bị sát hại ở đầu phim Psycho của Alfred Hitchcock.
Tuy nhiên, không giống Hitchcock, Antonioni không đưa ra lời giải thích nào cho sự mất tích đột ngột trên phim. Cốt truyện chuyển sự chú ý sang mối tình của Sandro và Claudia, những người bạn của Anna cũng dường như quên đi sự tồn tại của cô. Viết cho Criterion, cây bút Geoffrey Nowell-Smith chỉ ra trong L’Avventura, sự kiện xảy ra không có tính quan trọng với cốt truyện tổng thể. Trái ngược những chi tiết trong phim của Hitchcock luôn khiến khán giả chú ý, Antonioni cho thấy các sự kiện không cần phải có nghĩa. L’Avventura bỏ qua việc xây dựng kịch tính hay tiết tấu ba hồi thông thường của Hollywood và từ chối đưa cho khán giả một cái kết đóng. Tạp chí Sight & Sound nhận xét điều này mở ra một ngôn ngữ điện ảnh mới, chưa từng hiện diện trước đó.
Trong một cuộc phỏng vấn, đạo diễn Antonioni nói ông muốn bộ phim của mình tìm hiểu những điều đang diễn ra bên trong nhân vật. L’Avventura đưa ra một phong cách hướng nội cho điện ảnh với chủ đích đi sâu vào tâm lý, thay vì mô tả thực cuộc sống như chủ nghĩa Tân hiện thực ở Italy thời trước đó.
Khi Antonioni thực hiện phim, Italy đang trải qua thời kỳ "phép màu kinh tế" từ 1959 - 1963, biến đất nước từ nông thôn lên thành một quốc gia công nghiệp. Thay vì tường thuật rõ nét sự thay đổi này và đời sống vật chất nó mang lại, Antonioni chọn tập trung vào tâm lý của lớp trung lưu giàu có nhưng lại có cuộc sống hời hợt, theo nhà phê bình phim Roger Ebert. Các nhân vật trong L’Avventura hành động mà không có động cơ cụ thể. Những cuộc nói chuyện mang cảm giác để giết thời gian thay vì đẩy diễn biến phim.
Nhà phê bình nhận xét những nhân vật trong phim cũng đang trên bờ biến mất như Anna bởi họ sống một cuộc sống vô vị và những mối quan hệ không tình cảm. Nhà báo Andrew Sarris chỉ ra thay vì quay cận cảnh các nhân vật trong cuộc đối thoại, nhà làm phim để hai hay nhiều nhân vật trong cùng khung hình nhưng họ không nhìn nhau, cho thấy sự kết nối bị đứt đoạn giữa con người. Đạo diễn Antonioni cùng nhà quay phim Aldo Scavarda chọn những góc hình rộng ấn tượng khi đối chọi nhân vật với khung cảnh đằng xa, nhấn mạnh sự hiện diện cô đơn và mỏng manh của họ.
Không chỉ là bước ngoặt trong cách kể chuyện trên phim, L’Avventura là bước đột phá cho sự nghiệp của Michelangelo Antonioni cùng nữ diễn viên Monica Vitti. Sau L’Avventura, họ tiếp tục hợp tác trong những tác phẩm khác của ông như La notte (1961), L’eclisse (1962), và Red Desert (1964), đều được giới phê bình khen ngợi.
Với sự kết hợp giữa cốt truyện tối giản cùng kỹ thuật quay góc rộng và hạn chế chuyển cảnh, Michelangelo Antonioni đã có ảnh hưởng lên phong trào "điện ảnh chậm" của thế kỷ 21 sau này. Sight & Sound chỉ ra những nhà làm phim chịu ảnh hưởng từ phong cách "trầm tư" của ông, trong đó có Vương Gia Vệ, Apichatpong Weerasethakul, Nuri Bilge Ceylan, Kore-eda Hirokazu và Giả Chương Kha. Đạo diễn Martin Scorsese tự nhận chịu ảnh hưởng nhiều từ Antonioni, gọi ông là "người thả tự do cho điện ảnh". Bộ phim cũng ba lần vào Top 10 của tạp chí Sight & Sound, Top 100 Điện ảnh Thế giới của Empire, được nhà phê bình Roger Ebert gọi là một bộ phim vĩ đại. Cấu trúc mơ hồ của L’Avventura đặt ra câu hỏi về vai trò của cốt truyện, nhân vật và hình ảnh trong phim, là điều các đạo diễn ngày nay vẫn tiếp tục khám phá.
Phương Hà
from Giải trí - VnExpress RSS https://ift.tt/2XD9END
via IFTTT
إرسال تعليق