Ba người phụ nữ - Nhớ, Đủ, Nhan - chung cảnh không chồng mà chửa, nương tựa nhau trên đồi cát hoang vắng.
Phim dài 30 tập, hiện phát sóng đến tập ba, khắc họa ba phụ nữ với tuổi tác, tính cách, ngoại hình khác biệt, nhưng đều toát lên nghị lực mạnh mẽ, khát khao hạnh phúc. Đủ (Tuyết Hương) là người đàn bà trung niên, tính tình nóng nảy. Cô có con với Tư, gã chở xe bò thuê thô kệch trong vùng. Dù vợ Tư qua đời, Đủ vẫn không có một danh phận bởi người tình từng thề chung thủy với vợ.
Nhớ (Thúy Diễm) sắc sảo và mạnh mẽ. Cô từng làm trong xưởng nước mắm của Hai Ngò, tuyệt giao với ông sau khi hai người ân ái và có con. Sau nhiều năm, ông Hai Ngò giao lại xưởng nước mắm cho Nhớ vì sắp qua đời. Khi đụng độ vợ ông ta, Nhớ sẵn sàng động chân động tay vì bị xúc phạm.
Nhan (Thúy Nga) - cô gái mới lớn ngây thơ, mơ mộng - ngã vào vòng tay Quang - gã nhạc sĩ lãng tử. Gã hoài nghi cái thai của cô rồi bỏ đi, khiến Nhan phải lên chùa né tránh ánh mắt soi mói của xóm làng. Trong các tập tiếp theo, ba người phụ nữ tiếp tục cuốn vào dòng xoáy giữa yêu và hận, trải qua nhiều biến cố.
Các nhân vật trong phim - dù chính hay phụ - đều được khắc họa với cá tính đậm nét. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh sử dụng triệt để các góc cận để nắm bắt trọn vẹn cảm xúc của họ, đồng thời khắc họa vẻ đẹp mộc mạc của diễn viên khi hoá thân người dân duyên hải. Bên ngoài, họ toát lên nét sương gió, vẻ bộc trực. Bên trong, họ có những rung cảm nhỏ nhoi và những hỉ - nộ - ái - ố rất đời thường.
Bối cảnh đẹp cũng tạo nên sức hấp dẫn của phim. Phong cảnh Bình Thuận trong Cát đỏ hiện lên hoang sơ, mộc mạc với bờ biển dài và trong xanh, những đồi cát mênh mông, đàn cừu nhẩn nha ăn cỏ trên thảo nguyên, cánh đồng muối trên biển... Thiên nhiên hoang dã, đẹp đến nghiệt ngã, là nơi con người chật vật mưu sinh. Phim cũng có nhiều hình ảnh lãng mạn, như cảnh chàng nhạc sĩ ôm đàn nghêu ngao hát, các cô gái đuổi bắt nhau trên cồn cát... gợi nhớ phong trào du ca từ thập niên 1960.
Khác với các phim truyền hình hiện nay thường khai thác đề tài tâm lý tình cảm đô thị, đạo diễn Lưu Trọng Ninh tìm những đề tài khó, mang đặc trưng vùng miền. Số phận đàn bà là nguồn cảm hứng dạt dào trong các tác phẩm của ông. Ông quan tâm những phận người đơn côi, sống đè nén giữa định kiến xã hội, rồi từ đó khắc họa bản năng, khao khát của họ. Đạo diễn không chọn nhiều diễn viên nổi tiếng mà đề cao việc hợp vai. Với Cát đỏ, Thúy Diễm từng phải casting vai Nhớ đến sáu lần.
Hai năm trước, đạo diễn Lưu Trọng Ninh thành công với phim truyền hình Thương nhớ ở ai (làm lại từ phim điện ảnh Bến không chồng), lấy bối cảnh những người phụ nữ goá ở một làng quê Bắc Bộ. Sắp tới, ông về miền Tây du ngoạn, tìm bối cảnh cho phim truyền hình về cuộc sống nơi đây.
from Giải trí - VnExpress RSS https://ift.tt/3gHzMyE
via IFTTT
إرسال تعليق